MediaTinLanh.com – Ở bài trước chúng ta đã tìm hiểu Những điều gì nên làm khi xây dựng Mục vụ Truyền Thông, ở điều số 4, tôi có nói đến việc lựa chọn phương tiện truyền thông cho Hội Thánh. Trong bài ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu có những phương tiện truyền thông nào hiện nay, và loại nào sẽ phù hợp cho Hội Thánh tại Việt Nam.
Khi nói đến Mục vụ Truyền Thông, chúng ta không thể không nhắc đến những phương tiện truyền thông hiện có như: báo, tạp chí, truyền hình, đài phát thanh, bảng quảng cáo, gửi thư trực tiếp, điện thoại, fax, và Internet.
Mỗi phương tiện truyền thông đều có một lịch sử hình thành khá dài & nhiều điều thú vị, bạn có thể tìm hiểu trên Google. Không có một quy chuẩn rõ ràng nào khi sử dụng các phương tiện truyền thông, và để lựa chọn phương tiện nào phù hợp thì còn phụ thuộc vào chiến lược, nội dung tài chính & nhân sự Hội Thánh của bạn.
Ở khuôn khổ bài viết hôm nay, tôi sẽ đưa ra danh sách các phương tiện truyền thông mà một số trong đó Hội Thánh chúng tôi đã và đang sử dụng.
1/ Bưu chính
Kể từ sau các cuộc chinh phục của hoàng đế Ba Tư Cyrus Đại đế (c. 550 BC), đế quốc này đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực truyền thông. Họ được biết đến với hệ thống bưu chính đầu tiên với nhiệm vụ truyền tin, tài liệu, tình báo và quyết định…
Đối với Hội Thánh, việc sử dụng bưu chính làm phương tiện truyền thông cũng khá hữu ích. Chúng ta có thể in ấn các tờ chương trình, thông báo, tin tức hoặc blog Cơ Đốc gửi bưu chính đến những tín hữu lớn tuổi. Điều này hơi tốn công nhưng có thể giúp họ tăng trưởng thêm đức tin khi họ không có điều kiện tiếp cận Internet.
2/ In ấn (tờ rơi, áp phích…)
Ngành in ấn đã có lịch sử hàng nghìn năm, nhưng kể từ khi chiếc máy in đầu tiên chạy bằng hơi nước được thiết kế vào năm 1811 bởi kiến trúc sư người Đức Friedrich Koenig, với khả năng in ra khoảng 1100 trang/giờ. Kể từ đây, ngành in ấn thực sự bùng nổ và được cải thiện không ngừng.
Đối với Hội Thánh, in ấn gắn liền với Mục vụ Truyền Thông nhằm tạo ra các ấn phẩm Cơ Đốc. Những tờ rơi, thiệp mời truyền giảng, banner, poster, catologue…đã mang Tin Lành của Chúa Giê-xu đến với nhiều người, từ thành thị cho tới nông thôn.
Phát minh thời kỳ đầu của máy in (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Nếu Hội Thánh bạn có đủ tiềm lực tài chính, hãy trang bị một nhà in loại nhỏ để in các tờ chương trình hoặc các thiệp mời truyền giảng. Các nội dung này thường không in nhiều và thay đổi nội dung liên tục nên phương cách in offset công nghiệp sẽ gây tốn kém chi phí. Với công nghệ hiện tại, bạn hoàn toàn có thể in ấn với chất lượng tương đối tốt như nhà in công nghiệp mà chi phí lại rẻ hơn.
3/ Radio
Radio là một trong những phát minh tuyệt vời của nhân loại ở thập niên cuối thế kỷ 19, nhưng lịch sử ra đời của nó còn gây nhiều tranh cãi. Mãi cho đến những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, tin tức radio đầu tiên được phát đi vào ngày 31 tháng 8 năm 1920 bởi đài 8MK ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ.
Thiết bị phát sóng radio thời kỳ đầu rất to và cồng kềnh (Nguồn ảnh: allyouneedareseeds)
Tại Việt Nam vào năm 1955, Ban Phát Thanh Tin Lành và Truyền Giáo trên Đài Phát Thanh được thành lập. Kể từ đó, Tin Lành của Chúa Giê-xu đã được lan rộng mạnh mẽ qua sóng radio…Ngày nay chúng ta không còn có cơ hội phát đi Tin mừng qua Radio băng tần của nhà nước nữa nhưng các Hội Thánh vẫn có thể sản xuất Radio để phát qua website hoặc ứng dụng di động.
4/ Điện thoại
Kể từ khi ra đời cho đến nay, điện thoại là một trong những phương tiện giúp kết nối mọi người hiệu quả nhất. Hàng tỉ cuộc gọi điện mỗi ngày, đủ để cho chúng ta thấy về tính phổ biến và hữu ích của thiết bị này. Ngày nay điện thoại được các hãng sản xuất làm cho thông minh hơn với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Rất khác với điện thoại thời nay đúng không quý vị (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Câu hỏi được đặt ra là: “Liệu chúng ta có nên chia sẻ Phúc âm bằng điện thoại không ? Câu trả lời: “Chắc chắn là có, tại sao lại không?”. Hội Thánh các bạn có thể lập một số điện thoại riêng để chia sẻ Phúc âm và tâm vấn cho những người chưa tin Chúa và cả những tín hữu. Tôi tin rằng điều này sẽ rất thú vị và tạo cho họ cảm thấy được quan tâm và gần gũi.
Bên cạnh đó, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, vì vậy hãy tạo ra những ứng dụng di động để giúp tín hữu và những người chưa tin Chúa các bạn nhé.
Tôi nghĩ rằng đây là phương án không tốn nhiều chi phí và nhân lực, Hội Thánh các bạn có thể thử áp dụng điều này trong việc xây dựng mục vụ truyền thông.
5/ Truyền hình
Truyền hình được đánh giá là tạo sự tin tưởng nhiều nhất cho người xem so với các phương tiện truyền thông khác. Ở Việt Nam, chúng ta biết rằng rất khó để có thể chia sẻ Phúc âm trên truyền hình chính thống hiện nay. Ngoại trừ một số chương trình từ thiện, giao lưu nghệ thuật hoặc tin tức về lễ mừng Chúa Giáng sinh được các kênh như An Viên TV, Thủ Đô đăng tải…Lý do thì tôi nghĩ chắc mọi người cũng đều đã biết.
Tivi thời kỳ đầu phát triển số lượng người dùng rất nhanh chóng (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Vì vậy chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa mở cánh cửa này cho đất nước chúng ta và đồng thời chúng ta cần chuẩn bị để đáp ứng điều đó khi Ngài hành động. Câu hỏi được đặt ra là: “Liệu chúng ta có đủ tiềm lực về nhân lực, nội dung, tài chính… để sản xuất, duy trì và phát sóng chương trình khi đất nước chúng ta “mở cửa” hơn với việc chia sẻ Phúc âm? “. Tôi ước mong một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ có những kênh truyền hình Cơ Đốc riêng biệt để Tin Lành của Chúa được vang ra khắp Việt Nam.
Phương tiện truyền hình có ưu điểm là phổ biến rộng khắp, tạo sự tin tưởng, tuy nhiên chi phí vận hành để sản xuất, mua sóng…rất tốn kém.
6/ Internet
Kể từ ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa mạng Intenet toàn cầu, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của Việt Nam. Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển Internet rất nhanh với khoảng gần 40 triệu người dùng. Chúng tôi yêu thích sử dụng Internet là phương tiện truyền thông chính thức của Hội Thánh. Đi kèm theo sự phát triển của Internet là các trang tin tức website, mạng xã hội nở rộ, đây thật sự là cánh cửa mới được Chúa dùng để Tin Lành được lan truyền khắp đất.
Chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng Internet để truyền thông vì chi phí không cao mà hiệu quả lan truyền lại rất nhanh chóng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc thành lập website, sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagam, Pinterest, hoặc kênh video như Youtube, Vimeo…Tuy nhiên phương tiện này lại cần bạn đầu tư chiến lược, thời gian, nội dung, nhân sự để duy trì, thì mới phát triển Ban Truyền Thông hiệu quả.
Kết luận:
Hơn 2000 năm qua, Chúa Giê-xu cho chúng ta thấy Ngài vẫn là bậc thầy về truyền thông. Có thể bạn nghe hơi buồn cười, nhưng thật sự Ngài là như vậy. Chúa Giê-xu lúc tại thế, Ngài đi từ làng này qua làng nọ kể cho đoàn dân nghe về Phúc âm, truyền miệng chính là phương tiện truyền thông truyền thống của chúng ta.
Rồi khi đế quốc La Mã lát những con đường bằng đá để thuận tiện trong việc thương mại & quân sự, Chúa đã dùng sứ đồ Phao-lô đem phúc âm cho nhiều người khắp vùng Địa Trung Hải. Cho đến khi giấy Papyrus, la bàn, máy in, radio, máy bay, tivi, Internet được phát minh ra…điều này giúp chúng ta nhận thấy rằng Chúa luôn là Đấng tể trị mọi sự trên thế giới này.
Ngài đã dùng những con người như Phao-lô, Martin Luther, Billy Graham….để rao giảng Phúc âm qua các phương tiện truyền thông, vậy thì bạn sẽ làm gì để đáp ứng lại với Đại Mạng Lệnh của Ngài trong Ma-thi-ơ 28:18-20
Đức Chúa Jêsus đến và phán với họ rằng: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.”