MediaTinLanh.com – Không thể phủ nhận những ích lợi mà trình chiếu mang lại trong các buổi thờ phượng tại Hội Thánh ngày nay. Để làm được điều này, chúng ta cần những nhân sự có tâm tình & được đào tạo kỹ năng tốt, cùng sự hỗ trợ của các phần mềm trình chiếu chuyên nghiệp.
Ngày hôm nay, tôi xin phép chia sẻ một vài điều để giúp Hội Thánh các bạn thực hiện việc trình chiếu tốt hơn. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ sử dụng phần mềm Power Point là chính, các phần mềm trình chiếu chuyên dụng khác sẽ được chia sẻ ở những bài viết sau. Dưới đây là những lời khuyên để thực hiện trình chiếu tốt tại Hội Thánh:
1/ Cài đặt trang trình chiếu
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là chọn kích thước màn hình trình chiếu, tùy thuộc vào màn hình hiển thị kết quả trình chiếu mà bạn lựa chọn. Ở Hội Thánh chúng tôi thường sử dụng kích thước 16:9 khi trình chiếu hằng tuần hoặc các chương trình truyền giảng dùng màn hình LED.
Để lựa chọn bạn vào menu Design >> Page Setup >> Tại ô Slides sized for: tùy chọn kích thước bạn mong muốn.
2/ Sử dụng Font chữ
A. Chọn Font
Rất nhiều người sử dụng các font chữ rối rắm khi trình chiếu, lời khuyên cho việc này là bạn nên sử dụng các font chữ không có chân (Arial, Helvetica, vv) để trình chiếu sẽ tốt hơn những font có chân như (Time New Roman, VNI-Times…). Những font kiểu Script như thế này chỉ nên sử dụng cho tiêu đề để tạo điểm nhấn, tránh sử dụng cho các đoạn văn bản dài.
B. Định dạng bộ Font
Hiện nay có nhiều bộ font với nhiều định dạng khác nhau (VNI, HP, UVF….), tuy nhiên chúng tôi khuyên các bạn chỉ nên sử dụng các font Unicode. Nếu các bạn sử dụng các định dạng font khác, xin hãy chắc chắn rằng máy tính mà bạn dự định trình chiếu có cài những font này.
Hãy tưởng tượng: Lúc trình chiếu máy tính bạn bị đứng hoặc lỗi, buộc lòng bạn phải chuyển sang máy tính khác, nhưng máy này không cài các font chữ như bạn đã làm. Việc sửa lại hàng trăm slide có vẻ không làm bạn vui lắm, chưa tính đến việc thời gian gấp gáp.
C. Kích thước font
Kích thước font chữ bao nhiêu là đủ ? Điều này tùy thuộc vào độ lớn màn hình và tính toán xem khoảng cách từ màn hình đến hàng ghế cuối cùng của Hội Thánh là bao xa. Hãy chắc chắn rằng ở hàng cuối cùng hội chúng vẫn có thể đọc được nội dung. Một lời khuyên nhỏ: Bạn có thể dùng kích thước từ 36-44pt, không nên nhỏ hơn 32pt.
D. Độ đậm nhạt
Khi cần nhấn mạnh một điều gì đó hoặc muốn rõ ràng hơn cho người xem, bạn nên sử dụng font chữ đậm (Bold), hiệu quả khác biệt rất lớn so với font chữ mỏng (Light) hoặc bình thường (Regular)
E. Số lượng
Trong một chương trình trình chiếu, không nên sử dụng quá 3 font chữ. Điều này nghe có vẻ hơi “tiết kiệm” nhưng việc giữ các Slide một cách đơn giản, sạch sẽ sẽ giúp người xem không bị mất tập trung.
3/ Sử dụng hình ảnh/video
A. Nguồn ảnh/video
Một bức ảnh bằng hàng ngàn lời nói, vì vậy việc sử dụng hình ảnh tốt sẽ đem lại hiệu quả truyền thông tích cực. Thông thường chúng ta hay có thói quen tìm ảnh trên Google, điều này cũng tốt thôi nhưng hãy chú ý vấn đề bản quyền bạn nhé. Một số ảnh bản quyền thì chúng ta không nên sử dụng khi chưa xin phép tác giả.
Đối với các video, các bạn nên chọn video nền cho các tiêu đề bài hát hoặc chương trình sẽ sinh động hơn. Tuy nhiên đang trong khi Mục sư giảng luận, không nên sử dụng video để làm nền cho các đề mục bài giảng. Hiệu ứng xuất hiện trong video sẽ làm xao nhãng & chi phối tín hữu đang nghe giảng.
Hội Thánh Hà Nội đang sử dụng nguồn ảnh bản quyền tại trang ShareFaith, đây là một trang web cung cấp nhiều nguồn tài liệu trình chiếu (hình ảnh & video) rất hữu ích cho Hội Thánh. Tuy nhiên hãy cân nhắc về chi phí vì giá của 1 năm sử dụng tại đây khá cao, khoảng trên 4,5 triệu đồng đến hơn 13 triệu/năm (chi tiết xem tại đây).
B. Kích thước hình ảnh
Việc lựa chọn kích thước hình ảnh phù hợp sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian chỉnh sửa sau này. Không nên chọn hình ảnh quá lớn (trên 2000px) vì nó sẽ gây nặng trong quá trình bạn trình chiếu, cũng không nên chọn ảnh quá nhỏ (dưới 300px) vì khi bạn cần kéo lớn hình ra sẽ gây vỡ điểm ảnh (pixel).
Bạn đã bao giờ gặp trường hợp vỡ điểm ảnh (pixel) như thế này chưa ?
C. Phân loại hình ảnh
Nên chọn các hình ảnh đơn giản và theo sát chủ đề của nội dung bài giảng & bài hát, tránh chọn những hình ảnh động GIF để không gây chi phối cho người xem. Bạn nên lưu các hình ảnh trong máy tính theo chủ đề để khi cần sẽ dễ dàng tìm kiếm.
4/ Sử dụng màu sắc
Hãy chắc chắn rằng độ tương phản giữa nội dung và hình nền cần được rõ ràng. Trong nhiều năm tôi nhận thấy có rất nhiều người vẫn còn mơ hồ trong khái niệm này bằng cách họ sử dụng những chữ màu vàng trên nền trắng. Điều này làm cho người xem rất tức mắt và đôi khi là khó chịu.
Bạn cần sử dụng màu sắc một cách khôn ngoan và hợp lý, nên nhớ mắt người đọc chữ đậm trên nền trắng sẽ dễ hơn là chữ trắng trên nền đậm. Nếu bạn muốn sử dụng chữ đen nền trắng với văn bản chiếu trong thời gian dài, tôi khuyên bạn nên chuyển chữ đen thành màu xám đậm (màu ghi), như vậy sẽ giúp người đọc không bị mỏi mắt khi theo dõi nội dung trong thời gian lâu.
Đừng bao giờ sử dụng “phong cách” trình chiếu như vậy bạn nhé
Mẹo nhỏ: Bạn có thể sử dụng trang web Adobe Color để chọn những mã màu mà mình yêu thích. Sau đó ghi nhớ thông số của mã Red – Green – Blue (RGB) và nhập vào Power Point.
Ví dụ: Để nhập màu cho chữ, ta vào More Colors (nằm cuối bảng màu Theme Colors) >>> nhập vào chỉ số RGB tương ứng lấy từ bên Adobe Color.
5/ Kiểm tra khả năng của máy chiếu
Chúng ta cần phải xét đến khả năng của thiết bị trình chiếu, nếu máy chiếu của bạn không đủ độ sáng thì nên chọn nền tối và chữ sáng.
Độ sáng được đo bằng ANSI lumen, chỉ số này càng cao thì máy chiếu càng sáng. Cách đơn giản nhất để chọn máy chiếu là căn cứ vào số lượng người và kích thước phòng họp để quyết định độ sáng, một yếu tố khác là dữ liệu mà máy chiếu của bạn dùng để trình diễn là động hay tĩnh.
Thường thì độ sáng của máy chiếu nằm trong khoảng từ 650 đến 5000 lumen.
- Dưới 1000 lumen: rẻ và phù hợp với ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, bạn phải dùng cho những phòng tối.
- 1000 đến 2000 lumen: Đây là mức sáng mà bạn có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm có độ phân giải SVGA và XGA, thích hợp cho những phòng họp, lớp học.
- 2000 đến 3000 lumen: Sản phẩm thuộc lớp này thích hợp cho phòng họp hay lớp học lớn khoảng 100 người.
- 3000 lumen trở lên: Dùng trong những hội trường lớn, lớp huấn luyện, nhà thờ, hoà nhạc…
- 5000 lumen dành cho phòng họp trên 100 người và đèn sáng.
- 6000 lumen trở lên dành cho những sự kiện lớn như triển lãm, hội chợ, hội nghị với hàng ngàn người tham dự.
Ngoài ra, nếu Hội Thánh các bạn có chi phí đầu tư lớn, hãy sử dụng màn hình LED hoặc Tivi LED. Hiệu quả của việc trình chiếu này sẽ tốt hơn rất nhiều so với máy chiếu truyền thống, đồng thời tuổi họ cũng tăng lên nhiều hơn so với các máy chiếu (trung bình 2000 giờ/bóng đèn).
6/ Đổ bóng & đường viên
Nên thận trọng khi sử dụng những hiệu ứng này, với một số tiêu đề ngắn thì nó có thể trông khá bắt mắt nhưng không nên quá lạm dụng.
7/ Hiệu ứng chuyển Slide
Một trãi nghiệm đáng nhớ khi cách đây gần 3 năm tôi tham gia hát dẫn tại Hội Thánh, tôi đã không theo kịp lời bài hát có tiết tấu nhanh. Các bạn có biết lí do vì sao không ? Không phải vì tôi hát tệ nhưng hôm đó người chỉnh trình chiếu đã sử dụng hiệu ứng hiển thị ra từng chữ một. Một lí do rất đơn giản thôi nhưng có thể dẫn đến hậu quả khó lường cho Ban hát dẫn, và đáng tiếc điều này bắt gặp ở khá nhiều Hội Thánh.
Vẫn với quan điểm: Hãy giữ mọi thứ một cách đơn giản nhất! Điều này giúp cho các bạn không tốn thời gian cân chỉnh hiệu ứng và tránh việc người dẫn & hội chúng không theo kịp.
8/ Vô hiệu hóa những thứ không cần thiết
Những tưởng đây là điều đơn giản nhưng rất nhiều người vô tình mắc phải, các bạn không nên sử dụng chức năng hiển thị màn hình chờ nhé. Cách tắt chức năng này bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google với từ khóa “cách tắt màn hình chờ”. Ngoài ra đang trong lúc trình chiếu, không nên kết nối mạng để tránh những pop-up của Facebook, Skype, Yahoo hiển thị ra…
9/ Hình ảnh chuyển tiếp/kết thúc
Khi trình chiếu, giữa các tiết mục chương trình bạn nên có một hình ảnh để chuyển tiếp, hay có thể gọi là “hình ảnh chờ”. Ngoài ra khi kết thúc chương trình, thay vì Power Point sẽ hiển thị “end of slide show”, bạn nên làm một hình ảnh mang lời chúc đến quý tín hữu thì sẽ thú vị hơn đấy.
10/ Ghi nhớ các phím tắt
Thật tuyệt vời khi phần mềm Power Point trang bị cho chúng ta những phím tắt, điều này giúp các thao tác trở nên nhanh gọn. Hãy nhấp vào ô bên dưới để biết những phím tắt thông dụng trong Power Point.
Các phím tắt trong tạo mới và chỉnh sửa Slide
Ctrl + N Khởi tạo một PowerPoint mới.
Ctrl + M Thêm một Slide mới.
Ctrl + D Copy Slide đang chọn xuống ngay phía dưới slide đó.
Ctrl + O Mở một Slide
Ctrl + W Đóng một Slide
Ctrl + P In ra Slide
Ctrl + S Lưu lại Slide
Ctrl + F Tìm từ hay ký tự
Ctrl + H Thay thế từ hay ký tự
Ctrl + K Chèn một đường link
Ctrl + Z Khôi phục thao tác trước
Ctrl + Y Khôi phục thao tác trước khi thực hiện Ctrl + Z
Ctrl +A Chọn toàn bộ Slide
Ctrl + B Bật / Tắt chế độ in đậm
Ctrl + I Bật / tắt chế độ in nghiêng
Ctrl + U Bật / tắt chế độ gạch chân
F12 Tùy chọn Lưu Slide
F5 Bắt đầu chạy trình chiếu
Shift + F5 Bắt đầu chạy trình chiếu từ Slide đang chọn
Esc Thoát khỏi trình chiếu
F7 Kiểm tra lỗi chính tả
Shift + F9 Bật / Tắt đường kẻ ô dạng lưới trong Slide
Delete Xóa các ký tự phía sau
Backspace Xóa các ký tự phía trước
Ctrl + Delete Xóa một từ phía sau
Ctrl + Backspace Xóa một từ phía trước
11/ Đừng cố nhồi nhét
Tôi đã thấy một số người trình chiếu toàn bộ nội dung bài giảng của Mục sư. Các bạn ơi ! Không nên sử dụng cách này trong trình chiếu nhé. Thay vì “nhồi nhét” cả một bài giảng dài, chúng ta nên hiển thị những tiêu đề & ý chính của bài giảng, hiệu quả sẽ tốt hơn rõ rệt đấy.
12/ Ngắt câu xuống hàng/chuyển trang
Một trong những sơ sót tưởng chừng như đơn giản nhưng dẫn đến hệ quả nghiêm trọng là việc ngắt câu xuống hàng/chuyển trang. Lỗi này tương đối phổ biến khi người chỉnh ngắt các câu trong bài hát dẫn đến việc Hội chúng không hiểu ý nghĩa, thậm chí biến đổi nghĩa của cả câu.
Một trong những lỗi “chết người” thường gặp nhất.
Hoặc một cách nào đó, chúng ta ngắt câu rồi chuyển phần ngắt đó sang một trang Slide mới, điều này làm hội chúng không hát theo kịp, và văn mạch của câu hát cũng bị gãy. Vì vậy, không nên ngắt câu & chuyển trang khi đang trong một câu hát các bạn nhé.
Bên cạnh đó các bạn cần tìm hiểu cấu trúc một bài hát, Thế nào là phiên khúc (Verse) ? Thế nào là một điệp khúc (Chorus) ? Thế nào là một đoạn cao trào (Bridge) ? Nếu bạn nắm được cấu trúc bài hát vững vàng thì việc phân chia nội dung bài hát theo từng Slide sẽ dễ dàng hơn.
13/ Tìm hiểu thông tin rõ ràng
Khi đưa lên các số liệu dẫn chứng, các bạn nên tìm hiểu kỹ và có dòng chú thích số liệu này được trích dẫn từ đâu. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng rất nhiều Hội Thánh tại Việt Nam không hề để tên các nhạc sĩ & người viết lời và người dịch thuật các bài hát. Có một số người nói rằng họ không biết, một số khác thì nói để thêm làm trang trình chiếu quá chật chội, hay một số khác gay gắt hơn thì cho rằng để tên họ như vậy là tôn vinh con người.
Các bạn thân mến, điều này hoàn toàn không đúng. Chúa dạy chúng ta về lòng biết ơn đối với người khác, vì vậy khi trình chiếu chúng ta hãy thực hành lời Chúa dạy và cũng là cách tôn trọng những tác giả bài hát, nội dung mà chúng ta trình chiếu.
Ở các Hội Thánh nước ngoài mà tôi từng có dịp sinh hoạt, dưới mỗi Slide họ đều để thông tin bài hát, tác giả, dịch giả, album, mã số bản quyền…Ở các nước việc tôn trọng bản quyền luôn được chú ý, những bài hát Thánh ca được quản lý bởi Hiệp hội Âm nhạc Cơ Đốc và các Hội Thánh sẽ mua bản quyền sử dụng trong năm với một mức phí nhất định.
Ước mong các Hội Thánh tại Việt Nam nên tập tành dần ý thức và ngưng phán xét việc này là tôn vinh con người. Nếu để tên các tác giả là việc tôn vinh con người thì tại sao chúng ta lại để tên Mục sư trong các bài giảng, những ca sĩ & ca đoàn trình bày bài hát ???
14/ Xây dựng Template (khung mẫu)
Nếu Hội Thánh các bạn muốn việc trình chiếu trở nên chuyên nghiệp và có tính kế thừa cho các nhân sự tham gia, hãy đặt ra các quy chuẩn chung để mọi người làm theo. Việc xây dựng một template (khung mẫu) cho các chương trình là điều nên làm, điều này giúp bạn dễ dàng thay đổi hình nền, font chữ, kích thước một cách đồng loạt thay vì thay đổi hàng trăm Slide. Chi tiết về việc xây dựng Template tôi sẽ trình bày ở một bài viết khác.
15/ Đừng vội vàng bỏ qua
Sau khi làm xong tất cả, đừng bao giờ vội rời mắt khỏi các Slide trình chiếu của bạn. Tôi đã từng thấy nhiều người viết lời Chúa, danh xưng của Chúa và các nội dung khác một cách cẩu thả & sai chính tả, thậm chí còn biến nghĩa thành những từ “nguy hiểm”. Vì vậy, hãy cẩn thận kiểm tra từng Slide, tập tành cho mình một thói quen đọc lại những gì hiển thị trên đó.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của tôi về việc trình chiếu khi sử dụng phần mềm Power Point, hy vọng trong thời gian đến tôi sẽ có giờ chia sẻ với các bạn về cách sử dụng các phần mềm trình chiếu chuyên nghiệp khác. Tuy nhiên ở bất kỳ một phần mềm trình chiếu nào thì cũng sẽ có những nguyên tắc cơ bản về (bố cục, màu sắc, font chữ, hình ảnh…) để mang lại hiệu quả trình chiếu tốt. Không có phương cách “mỳ gói” nào ngoài việc chúng ta cần làm là thực hành, thực hành và thực hành….
Ngoài ra, tôi biết nhiều Hội Thánh tại Việt Nam kết hợp trình chiếu giữa các Camera & phần mềm chuyên dụng. Hy vọng trong kỳ tới tôi sẽ có dịp được chia sẻ và học hỏi cùng các bạn về kinh nghiệm trình chiếu theo cách thức này.
Nguyện xin Chúa luôn ở cùng và ban phước trên Hội Thánh của quý vị và các bạn trong công tác trình chiếu & truyền thông. Amen.